Ngành Quan hệ công chúng

Mục tiêu của ngành Cử nhân Quan hệ công chúng là đào tạo ra những cử nhân có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học để làm việc, giảng dạy, quản lí trong lĩnh vực trong lĩnh vực quan hệ công chúng và các lĩnh vực liên quan; có khả năng khởi nghiệp, thích ứng và phát triển nghề nghiệp bản thân trong môi trường làm việc thay đổi và học tập suốt đời.

Ngành học mới đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động

Trong bối cảnh hội nhập, hầu hết các cơ quan, tổ chức và cá nhân đều nhận thức được tầm quan trọng của truyền thông đối với việc gầy dựng hình ảnh, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực truyền thông và quan hệ công chúng vì vậy trở nên vô cùng cấp thiết.

Các báo cáo về phát triển nguồn nhân lực độc lập đều cho thấy truyền thông là nhóm ngành đào tạo có nhu cầu cao trong xã hội. Chẳng hạn, theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, từ năm 2015 – 2025, mỗi năm sẽ cần đến 21.600 người trong nhóm ngành Truyền thông – Quảng cáo.

Một khảo sát khác về thực trạng nhân lực truyền thông trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội cho thấy trong giai đoạn 2022 – 2025, các doanh nghiệp cần một lượng lớn nhân sự đảm nhận hoạt động truyền thông doanh nghiệp, hoặc thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phát triển chiến lược truyền thông quảng cáo. Chỉ riêng Hà Nội đã có hơn 300.000 doanh nghiệp – một con số không nhỏ. Nếu tính trung bình, mỗi doanh nghiệp chỉ cần bố trí từ 1 – 3 nhân lực làm truyền thông, thì nhu cầu nhân lực cho ngành này giai đoạn 2021 – 2025 cũng đã lên đến hàng trăm ngàn người. Với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo và tổ chức sự kiện, nhu cầu này sẽ tăng cao hơn.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trên cả hai bình diện số lượng và chất lượng đào tạo của ngành truyền thông hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Những ngành đào tạo hiện tại hầu hết tập trung vào mảng marketing hoặc báo chí nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng rộng mở của thị trường lao động.

Trong xu thế đó, những năm gần đây, một số cơ sở đào tạo truyền thông, marketing ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số nơi khác đã có đào tạo ngành quan hệ công chúng. Tuy nhiên, ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cụ thể tại thành phố Đà Nẵng – một trong những trung tâm truyền thông lớn của cả nước, chưa có đơn vị đào tạo nào xây dựng và tuyển sinh chương trình đào tạo Quan hệ công chúng ở bậc đại học. Một số chương trình hiện tại chủ yếu tập trung huấn luyện ngắn hạn một số kĩ năng trong lĩnh vực quan hệ công chúng. Vì vậy, trường ĐH Sư phạm tự hào là trường Đại học công lập đầu tiên ở miền Trung tuyển sinh ngành Quan hệ công chúng. Đây cũng có thể được xem là phản hồi phù hợp trước nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực truyền thông được chúng tôi thực hiện năm 2023 với kết quả cho thấy thị trường lao đồng thực sự cần nhân sự trong lĩnh vực này.

Biểu đồ 1. Khảo sát sự cần thiết mở ngành đào tạo quan hệ công chúng

 Đến với ngành PR, sinh viên học những gì?

Mục tiêu đào tạo của ngành PR là tạo ra những sinh viên:

  • Có kiến thức khoa học chính trị và pháp luật, khoa học xã hội và nhân văn và kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành quan hệ công chúng nhằm phục vụ hoạt động nghề nghiệp và học tập suốt đời.
  • Có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ để xây dựng và thực thi, đánh giá, điều chỉnh các hoạt động quan hệ công chúng và thực hiện các sản phẩm truyền thông và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quan hệ công chúng.
  • Có kĩ năng mềm, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề sáng tạo, năng lực giao tiếp, năng lực ngoại ngữ, kĩ năng công nghệ thông tin, kỹ năng số và khả năng thích ứng với môi trường làm việc đa dạng
  • Có đạo đức nghề nghiệp người làm truyền thông, ý thức phục vụ cộng đồng và khả năng khởi nghiệp, ngành PR cung cấp những nội dung học tập cơ bản sau đây:

 

Để đạt được những mục tiêu trên, nội dung chương trình đào tạo sẽ cung cấp cho người học:

  • Kiến thức cơ bản về khoa học chính trị, pháp luật, khoa học xã hội và nhân văn
  • Kiến thức cơ sở ngành về truyền thông
  • Kiến thức chuyên ngành về quan hệ công chúng
  • Kĩ năng sản xuất sản phẩm truyền thông nghe nhìn, in ấn, truyền thông số và trong lĩnh vực quan hệ công chúng.
  • Công nghệ thông tin và ngoại ngữ phục vụ các công việc chuyên môn.
  • Kĩ năng mềm bao gồm giao tiếp, năng lực hợp tác nhóm trong thực hiện và giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực quan hệ công chúng.
  • Đạo đức nghề nghiệp, tinh thần khởi nghiệp.

 

Các hoạt động ngoại khoá chuyên môn, gặp gỡ chuyên gia, hướng nghiệp, tham quan thực tế và các sinh hoạt cộng đồng sẽ giúp người học rèn luyện kĩ năng mềm, phục vụ cho công việc trong tương lai.

Ảnh 1. Hoạt động ngoại khoá chào đón sinh viên mới ngành truyền thông

Ảnh 2. Cuộc thi tìm kiếm người dẫn chương trình Micro vàng, tổ chức định kì 2 năm một lần

 

Đặc biệt, với thế mạnh của hơn 15 năm đào tạo báo chí và đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, tốt nghiệp từ các quốc gia có bề dày đào tạo truyền thông lâu đời như Anh, Úc và các trung tâm truyền thông lớn của Việt Nam, chúng tôi cung cấp một chương trình đào tạo đảm bảo hàm lượng học thuật và tiệm cận với chất lượng đào tạo của thế giới. Đồng thời, đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, nhân sự, công nghệ thông tin cũng sẽ bổ trợ cho sinh viên những kĩ năng thực hành cần thiết cho người làm truyền thông trong bối cảnh hiện nay.

Ảnh 3 và 4. Sinh hoạt học thuật bộ môn Báo chí, Khoa Ngữ văn

 

Tốt nghiệp ngành PR – Sinh viên làm việc gì ? 

Là một ngành học hứa hẹn nhiều triển vọng, sinh viên tốt nghiệp ngành quan hệ công chúng có nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Các vị trí việc làm phổ biến bao gồm:

  • Chuyên viên tại các công ty truyền thông chuyên nghiệp trong và ngoài nước ở các vị trí cụ thể như: nhân viên quan hệ công chúng, nhân viên quan hệ báo chí, nhân viên tổ chức sự kiện, nhân viên quảng cáo, nhân viên marketing, nhân viên phân tích truyền thông và xử lý khủng hoảng, nhân viên sản xuất nội dung, nhân viên quản lý khách hàng,…;
  • Chuyên viên viên truyền thông, quan hệ công chúng (PR), chuyên viên phụ trách quan hệ báo chí, quan hệ cộng đồng tại các các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp công ty, tổ hợp, tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế, thương mại, dịch vụ;
  • Các vị trí công việc khác tại các cơ quan đơn vị có liên quan đến quan hệ công chúng, báo chí, truyền thông như các cơ quan văn hoá – tư tưởng, các cơ quan, tổ chức truyền thông vận động xã hội, các bộ phận thông tin tổng hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị – xã hội;
  • Làm phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo chí, hãng thông tấn;
  • Cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ giảng dạy tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo về quan hệ công chúng, truyền thông, marketing;
  • Làm việc tự do với vai trò tư vấn, quản trị cho các dự án truyền thông, quan hệ công chúng, hoặc hoạt động độc lập với vai trò người sáng tạo nội dung truyền thông.

 

Hãy đến với ngành PR để tích luỹ tri thức, rèn luyện kĩ năng, trau dồi kinh nghiệp để có những trải nghiệm tuyệt vời về nghề nghiệp trong tương lai!

 Để trở thành sinh viên ngành PR, thí sinh có thể tìm hiểu các phương thức và tổ hợp xét tuyển sau đây:

 Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT

Tổ hợp:

  • C00: Văn – Sử – Địa
  • D15: Văn – Địa – Anh
  • D14: Văn – Sử – Anh
  • D01: Văn – Toán – Anh

Cách thức tính điểm:

  • Điểm xét tuyển (ĐXT) = Tổng điểm các môn trong tổ hợp xét tuyển + Điểm ưu tiên.
  • Ngưỡng ĐBCL đầu vào được công bố sau khi có kết quả thi THPT.
  • Tiêu chí phụ đối với các thí sinh có điểm bằng nhau: Ưu tiên môn Ngữ Văn
  • Điểm sàn: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Xét tuyển theo kết quả học tập THPT (xét học bạ)

Tổ hợp:

  • C00: Văn – Sử – Địa
  • D15: Văn – Địa – Anh
  • D14: Văn – Sử – Anh
  • D01: Văn – Toán – Anh

Cách thức tính điểm:

  • Điểm môn học dùng để xét tuyển là điểm trung bình môn lớp 10, lớp 11 và học kì I năm lớp 12; làm tròn đến 2 số lẻ. Điểm môn ngoại ngữ sử dụng trong xét tuyển là điểm ngoại ngữ chính (Ngoại ngữ 1).
  • Điểm xét tuyển (ĐXT) = Tổng điểm các môn trong tổ hợp + Điểm ưu tiên
  • Điểm sàn: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Xét theo điểm thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh: 01 chỉ tiêu

  • Điểm sàn: 600
  • Trường hợp tổng số thí sinh trúng tuyển của một ngành <15, các thí sinh sẽ được đăng kí chuyển sang ngành đào tạo khác cùng tổ hợp, cùng phương thức xét tuyển và có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng điểm trúng tuyển của ngành sẽ chuyển sang.
  • Xét theo thứ tự điểm bài thi đánh giá năng lực từ cao đến thấp cho đến đủ chỉ tiêu.

 Xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng

Đối tượng xét tuyển:

  • Học sinh đạt giải tại cuộc thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
  • Học sinh đạt giải tại kì thi học sinh giỏi các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, GDCD, Ngoại ngữ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Xét giải 3 năm gần nhất.
  • Nguyên tắc chung: Thí sinh đã tốt nghiệp THPT có thể đăng kí xét tuyển vào nhiều ngành khác nhau, theo thứ tự ưu tiên từ Nhóm 1 đến Nhóm 6. Xét theo thứ tự giải (hoặc Điểm xét tuyển) từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu và ưu tiên từ nguyện vọng 1 cho đến hết. Mỗi thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng sẽ không được xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo.
  • Học sinh học trường THPT chuyên.

Học sinh trường THPT chuyên các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ.

  • Tiêu chí phụ: Trường hợp có nhiều thí sinh đồng hạng vượt quá chỉ tiêu sẽ xét đến điểm trung bình năm học lớp 12.

 

Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: 2 chỉ tiêu

  • Thí sinh đã tốt nghiệp THPT và đoạt giải nhất, nhì, ba trong kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Tiếng Anh. Xét giải Xét giải 3 năm gần nhất.

________________________________________________________

Thông tin liên hệ:

Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm – ĐH Đà Nẵng

459 Tôn Đức Thắng, Quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng

Website: https://nguvan.ued.udn.vn

Phone: 0236.384.1323 (Line 128)/ 089 8201669

Facebook: https://www.facebook.com/khoavanUED