1. Giới thiệu chung
Tầm nhìn
Đến năm 2030, Khoa Giáo dục Mầm non trở thành đơn vị trực thuộc Trường Đại học Sư phạm trọng điểm quốc gia, đào tạo Đại học, Sau đại học và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục mầm non đứng vị trí hàng đầu ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Sứ mạng
Khoa Giáo dục Mầm non – Trường Đại học Sư Phạm – Đại học Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí có chất lượng ở cấp học mầm non cho các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên và trên cả nước, đồng thời thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục mầm non phục vụ cộng đồng.
Trải qua gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển (1977), đến nay Khoa Giáo dục Mầm non đã xây dựng được một mô hình đào tạo theo hướng hiện đại, gắn lý thuyết với thực hành, rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp với kĩ năng mềm, phát huy tính tự giác, chủ động, sáng tạo, hội nhập cho người học, qua đó giúp người học vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn giáo dục cấp học mầm non thành thục, hiệu quả.
Thông tin về Khoa đào tạo
Khoa: Giáo dục Mầm non
Website: http://gdmn.ued.udn.vn
Facebook: Khoa Giáo dục Mầm non – Đại học Sư phạm ĐH Đà Nẵng
Điện thoại tư vấn: 0898204202 (nhánh 112) – Cô Đào Thị Linh Giang
2. Thông tin tuyển sinh năm 2023
* Mã ngành tuyển sinh: 7140201
* Mã tổ hợp:
1.M01
2.M09
* Các phương thức và tổ hợp xét tuyển:
– Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT
Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển
Tổ hợp M01: Ngữ văn + Năng khiếu 1 + Năng khiếu 2
Tổ hợp M09: Toán + Năng khiếu 1 + Năng khiếu 2
– Xét tuyển theo kết quả học tập THPT (xét học bạ)
Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển
Tổ hợp M01: Ngữ văn + Năng khiếu 1 + Năng khiếu 2
Tổ hợp M09: Toán + Năng khiếu 1 + Năng khiếu 2
Điểm sàn: Học sinh giỏi lớp 12
Bài thi năng khiếu mẫu
3. Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên Khoa Giáo dục Mầm non thuộc Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng có cơ hội trở thành:
– Giáo viên mầm non giảng dạy ở các loại hình trường khác nhau, bao gồm cả trường mầm non sử dụng chương trình quốc tế.
– Giảng viên giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước.
– Chuyên gia khoa học giáo dục mầm non tại các: Vụ Giáo dục Mầm non, Trung tâm, Viện Nghiên cứu, Công ti Giáo dục.
– Chuyên viên giáo dục mầm non ở các cấp thuộc Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo.
– Cán bộ quản lí tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tư thục.
4. Cơ hội học tập Sau đại học tại trường
Học thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục Mầm non và Quản lí Giáo dục.
5. Cơ hội rèn luyện kỹ năng mềm và tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội
Khi học tập tại Khoa Giáo dục Mầm non thuộc Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, sinh viên được tham gia các hoạt động phong trào của Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên của Khoa và của Trường như: Giải bóng đá Cup Mầm non, Hành trình địa chỉ đỏ, Tiếp sức mùa thi, chiến dịch Mùa hè xanh… Đây là những hoạt động không chỉ giúp sinh viên rèn luyện sức khỏe mà còn là môi trường để các bạn thể hiện tài năng, tâm huyết và tinh thần tình nguyện vì cộng đồng. Các hoạt động Đoàn, Hội sinh viên của Khoa Giáo dục Mầm non đã tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực đến đời sống tinh thần của sinh viên cũng như trong cộng đồng xã hội.
Bên cạnh đó, sinh viên còn được tham gia các Câu Lạc bộ học thuật như: CLB Aerobic, CLB tiếng Anh… giúp rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp và các kĩ năng mềm. Đặc biệt được tham gia Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm, một sân chơi chuyên ngành bổ ích đầy lí thú, giúp nâng cao năng lực thực hành sư phạm và nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê nghề nghiệp.
6. Chuẩn đầu ra của ngành học
Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành Giáo dục Mầm non thuộc Trường Đại học Sư Phạm – Đại học Đà Nẵng có khả năng:
- PLO1: Vận dụng kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên và xã hội, khoa học chính trị và pháp luật; kiến thức chuyên sâu về khoa học giáo dục mầm non vào các hoạt động chuyên môn.
- PLO2: Phát triển chương trình giáo dục mầm non.
- PLO3: Tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ mầm non.
- PLO4: Tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non.
- PLO5: Xây dựng môi trường giáo dục tích cực.
- PLO6: Thực hiện các hoạt động nghệ thuật theo đặc thù nghề nghiệp
- PLO7: Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ trong hoạt động nghề nghiệp.
- PLO8: Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục mầm non, thể hiện tư duy phản biện, giải quyết vấn đề phức tạp và sáng tạo.
- PLO9: Sử dụng kĩ năng giao tiếp, làm việc nhóm.
- PLO10: Thực hiện trách nhiệm công dân và đảm bảo đạo đức nhà giáo; tham gia phục vụ cộng đồng và hình thành ý tưởng khởi nghiệp.